Sài gòn xưa và nay: Đường xưa lối cũ
Nhắc đến Sài Gòn xưa và Hồ Chí Minh ngày nay, chúng ta sẽ luôn nghĩ đến một thành phố năng động với những con đường tấp nập người và xe qua lại. Và một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn đó là Đường Hai Bà Trưng – con đường có từ trước khi Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn vào năm 1862. Đây là con đường quen thuộc bậc nhất với người Sài Gòn cả xưa và nay vì hầu hết các hướng đi nội hay ngoại thành đều đi ngang hoặc đi qua còn đường này.
Ngoài ra, đây cũng là con đường lớn nhất nối xuyên suốt từ sông Sài Gòn, băng qua trung tâm Sài Gòn để đi thẳng tới tỉnh Gia Định xưa. Cho đến ngày nay, con đường này vẫn là con đường ngắn nhất nối trung tâm Sài Gòn với các quận Phú Nhuận, Gò Vấp.
Ban đầu, con đường nối từ sông Sài Gòn đến rạch Nhiêu Lộc này được người Pháp đánh số 14, rồi sau đó mới đặt tên là Impériale (Hoàng Đế). Đến năm 1870, đường đổi tên thành Nationale (Quốc Gia). Đây chính là một trong những con đường quan trọng bậc nhất Sài Gòn thời kỳ Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn
Trong đồ án quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn do trung tá công binh Coffyn thực hiện, thành phố được chia thành 2 khu vực rõ rệt, lấy con đường số 14 (tức đường Hai Bà Trưng ngày nay) làm ranh giới. Khu vực phía Đông của đường 14 trải dài đến rạch Thị Nghè, rộng khoảng 200ha là khu hành chính và quân sự, tập trung bộ máy đầu não. Khu phí Tây từ đường 14 chạy về hướng Chợ Lớn ngày nay rộng khoảng 2300 ha là khu thương mại và dân cư. Ngay trên trục đường 14 này có những công trình quan trọng đầu tiên của Sài Gòn từ thập niên 1860s là Bệnh viện Quân Y, dinh Thủy sư Đô đốc (dinh Thống đốc Nam kỳ đầu tiên). Tuy đề án Coffyn chưa từng được thực hiện tại Sài Gòn, song sự phân định hai khu vực hành chính-quân sự với khu dân cư vẫn được chính quyền thực dân Pháp mặc nhiên thực hiện
Từ ngày 4/4/1902, đường này được đổi tên từ Nationale thành Paul Blanchy, là tên của chủ tịch của Hội đồng thuộc địa của Nam Kỳ 1873. Ông cũng là thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn, bắt đầu từ năm 1985 đến khi ông qua đời năm 1901. Đây chính là cái tên quen thuộc nhất của đường này thời Pháp thuộc, trước khi đổi thành Trưng Nữ Vương năm 1952 rồi thành Hai Bà Trưng từ năm 1955
Ngày 18/11/1952, con đường này được cắt đoạn từ đại lộ Norodom (tức đại lộ Thống Nhứt, nay là Lê Duẩn) đến cầu Kiệu và đặt tên là đường Trưng Nữ Vương, đoạn còn lại từ Norodom đến công trường RIgault de Genouilly (là công trường Mê Linh sau này) vẫn giữ tên cũ Paul Blanchy.
Ngày 22/2/1955, hai đường Paul Blanchy và Trưng Nữ Vương nhập thành một và đặt tên là Hai Bà Trưng cho đến ngày nay.
Trong tấm hình toàn cảnh công trường Mê Linh bên trên, đường dọc sông là Bến Bạch Đằng, phía trên là 2 đường Hai Bà Trưng và Thi Sách (đường Hai Bà Trưng bên trái, đường Thi Sách ở chính diện, lệch phải). Đó đều là những nhân vật lịch sử gắn liền với địa danh Mê Linh từ thế kỉ 1 trong công nguyên
Ở chính giữa công trường Mê Linh mà chúng ta thấy trong hình là phần đế của một tượng đài. Từ năm 1877 cho đến năm 1954, vị trí này là tượng đài Rigault de Genouilly, và công trường này cũng mang tên là công trường Rigault de Genouilly. Tên này được đặt theo tên của viên thủy sư đề đốc Pháp mang tên Charles Rigault de Genouilly. Năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa dỡ bỏ tượng Genouilly,chỉ còn lại phần đế, đồng thời đổi tên công trường Rigault de Genouilly thành Công trường Mê Linh. Năm 1962, tại phần đế tượng cũ này, chính quyền đệ nhất cộng hòa xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng, tuy nhiên bức tượng chỉ tồn tại được hơn 1 năm thì bị tháo dỡ, thay vào đó là tượng đài Trần Hưng Đạo từ năm 1967 cho đến ngày nay.
Trong hình bên trên, đường thẳng xuống dưới là đường Hai Bà Trưng, ngay đầu đường là tòa nhà BGI quen thuộc.
Trước khi là nhà máy bia BGI, nơi này từng là nhà máy nước đá đầu tiên của Việt Nam. Sau 1975, khu đất địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc Sabeco quản lý. Hiện nay khu này đã bị giải tỏa và có liên quan đến một số vấn đề pháp lý nên vẫn còn đang bị để trống.
Đường Hai Bà Trưng đoạn giữa Thái Lập Thành và Nguyễn Siêu có một dãy nhà mà từ sau năm 1965 mọc lên rất nhiều quán bar dành cho lính Mỹ. Nguyên do là ngay cách đó không xa là cư xá sĩ quan Mỹ (còn gọi là khách sạn Brinks), nơi ở của những sĩ quan cao cấp Mỹ.
Ngay góc Nguyễn Siêu còn có một tòa nhà nổi tiếng, đó chính là Sở điện lực, thời Pháp là Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon (Công ty điện nước Sài Gòn) viết tắt là CEE. Tòa nhà này được xây từ năm 1896, là nhà máy điện đầu tiên ở Nam Kỳ,cung cấp điện cho toàn thành phố đến những năm đầu thế kỷ 20.
Sở điện lực CEE nằm ở một vị trí đặc biệt, nằm gọn trong 4 con đường, trước mặt là Hai Bà Trưng và công trường Lam Sơn, sau lưng là Thi Sách, hai bên là Nguyễn Siêu và Cao Bá Quát. Những tên đường này được đặt từ năm 1955 và vẫn còn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Từ CEE đi tới một chút sẽ là một khu nhà cổ. Đối diện khu nhà đó là một tòa nhà nổi tiếng, là nơi mà các quân nhân Mỹ thực hiện nhiều bức hình chụp xuống đường Hai Bà Trưng, đó chính là khách sạn Brinks – nơi được chính phủ Mỹ thuê lại nguyên tòa để làm nơi ở cho sĩ quan Mỹ nên thường được gọi là cư xá sĩ quan Mỹ. Từ Hai Bà Trưng – Gia Long đi một đoạn nữa là sẽ tới ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Du. Đoạn này có 2 địa điểm quan thuộc một là bệnh viện Grall (nay là bệnh viện Nhi Đồng 2), một bên là trường Lasan Taberd (nay là trường chuyên Trần Đại Nghĩa)
Từ ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Du sẽ đến ngã 3 Hai Bà Trưng – Nguyễn Hậu (nay là đường Nguyễn Văn Bình), nay là đầu đường sách Sài Gòn, nơi quen thuộc của những người yêu sách. Từ ngã tư này, đi một đoạn nữa qua ngã 3 Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự ( nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Nơi này có đại sứ quán Pháp suốt từ thời Pháp thuộc đến nay.
Đoạn cuối đường Hai Bà Trưng là khu vực trung tâm Tân Định, có chợ Tân Định và nhà thờ Tân Định.
Nhà thờ Tân Định cùng với Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là hai nhà thờ được xây dựng từ rất sớm và có quy mô lớn nhất Sài Gòn. Nhà thờ này được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào ngày 16/12/1876. Tổng thể mang phong cách kiến trúc Gothic, nhưng các chi tiết trang trí lại mang chút Roman và Baroque. Nhà thờ được sơn màu hồng phấn cả bên ngoài và bên trong từ năm 1957, khiến nhà thờ có biệt danh là “nhà thờ màu hồng”. Nhà thờ Tân Định đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.